Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thầy Phú sai rồi

Phạm Hồng Sơn

Dù chưa một lần gặp mặt, cũng chưa bao giờ được tiếp xúc, nhưng từ lâu tôi đã âm thầm coi nhà báo Nguyễn Vạn Phú – hiện đang giữ một vị trí quan trọng tại một trong vài tờ báo của chính quyền còn đáng đọc, đáng trọng – là thầy tôi. 

Trước tiên là thầy về Anh ngữ. Tôi vẫn giữ nguyên một tập những trang photo đã ngả vàng các bài trong chuyên mục “Câu lạc bộ tiếng Anh” hay “Tiếng Anh trong kinh doanh” của nhiều số Đầu tư cách đây trên 15 năm, do thầy Phú đảm trách. Tôi vẫn thường theo rõi để học nhiều kiến thức bổ ích, tăng cường thêm lối tư duy logic, khách quan và công bằng từ thầy Phú, trên blog của thầy hay bất kỳ đâu tôi gặp.



Nhưng hôm nay tôi không đồng ý với ý kiến phản ứng cực nhanh (1) của thầy Phú trước sự kiện có 99,59% số đại biểu có mặt, tức 97,59% tổng số các đại biểu “quốc hội”, bấm nút tán thành dự thảo sửa đổi hiến pháp. Trong đó thầy Phú tỉ mỉ đưa ra nhiều cứ liệu xác đáng để thầy xoáy vào sự kiện có nhiều đại biểu “Quốc hội Việt Nam” đã thay đổi ý kiến rất nhanh từ “chống” sang “ủng hộ” dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi năm 2001). Ai đọc cũng cảm thấy sự sấp ngửa quan điểm như thế là một khó hiểu – đáng ngạc nhiên, đáng trách.

Theo tôi, nếu thầy Phú ngạc nhiên thật hoặc thầy muốn làm cho người khác phải ngạc nhiên về sự sấp ngửa đó thì hoàn toàn phi logic.

Không logic là vì, đa phần các đảng viên (cộng sản) trí thức đã về hưu, đã “hạ cánh an toàn”, đã “thất thập cổ lai hi”, đã “yên bề gia thất”, đã lên tiếng phản đối công khai dự thảo hiến pháp, vẫn còn giữ nguyên tấm thẻ đảng đỏ chói thì làm sao những đại biểu quốc hội – những đảng viên cộng sản còn rất sung sức, còn dang dở với bao quyền lợi, bổng lộc, công việc, trách nhiệm với Đảng Cộng sản Việt Nam lại dám bấm một nút đồng nghĩa với... chống Đảng.

Người ở dưới gốc còn run thì sao nỡ trách kẻ vẫn đang trên ngọn?○

(1)   Ý kiến này đăng trên trang Facebook của nhà báo Nguyễn Vạn Phú và đăng lại trên nhiều trang mạng, trong đó có Dân Luận:

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: Ủa, sao lạ vậy. Theo báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đây (ghi ngày 17-10-2013) tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì:
- Có 88/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 nêu rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần kinh tế như đã ghi trong Cương lĩnh;
- Có 145/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 2 quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước;
- Có 158/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 3 quy định khái quát mà không quy định cụ thể vai trò của thành phần kinh tế để vừa thể hiện được nội dung Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất và cách thể hiện của Hiến pháp.
Nói cách khác, khi được hỏi ý kiến (ghi phiếu đàng hoàng à nghe) thì đa số đại biểu nói là không nên quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Nhưng nay khi bỏ phiếu thông qua Hiến pháp thì gần như tất cả đều đồng ý với nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cái này chưa hiểu vì sao 158 vị này thay đổi ý kiến nhanh thế?
Cuối năm tôi thường đọc lướt qua chồng báo của cả năm để cảm nhận được những vấn đề chính của năm đó. Thật bất ngờ khi đọc lại thấy tin lớn nhất của tuần lễ đầu tiên của năm 2013 là gì, các bạn biết không? Đó là dự thảo Hiến pháp mới nhất (lúc đó) không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nữa.
Vì sao đến cuối năm lúc Hiến pháp sắp sửa được thông qua người ta lại quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Đó là câu chuyện hấp dẫn của năm nay mà có lẽ vài ba năm nữa mới được tiết lộ đầy đủ.
Vấn đề là bây giờ dường như mọi người không còn quan tâm nữa. Ai ưa nói gì thì nói. Chẳng hạn một ông “chuyên gia kinh tế” nói như thế này mà cũng chẳng có ai thèm phản ứng mảy may: “Về nội hàm thống kê nhà nước, Kinh tế nhà nước bao gồm:…. các đơn vị tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội như Đảng Cộng sản VN, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc; Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như: Liên minh HTX, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Hội sân khấu, Hội luật gia...”
Hì hì. Đúng là ai ưa nói gì thì nói. Và có lẽ cũng không ai quan tâm ông “chuyên gia kinh tế” này là ai nữa.
Thêm nữa: Trong số 25 thành viên Chính phủ được lấy ý kiến về một số vấn đề của Hiến pháp (các thành viên này đồng thời là đại biểu Quốc hội, có tên tuổi đầy đủ) thì:
-24/25 vị không đồng ý quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Nay cả 24 vị này đều đổi ý.
-12/25 vị không nhất trí với quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế và đề nghị chỉ thu hồi đất “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Nay 12 vị này cũng đổi ý luôn.
Đây là tài liệu công khai trên trang duthaoonline.quochoi.vn chứ không có gì gọi là nhạy cảm cả nhé. (hết trích)