Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Nghĩ lại về « Độc lập dân tộc »

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đều lấy từ «độc lập» đặt tên cho ngày quốc khánh. Đó thường là ngày đánh dấu người dân sở tại giành lại được chính quyền (quyền quản lý đất nước) từ tay lực lượng ngoại bang. Tại Việt Nam cũng thế, 64 năm qua trên miền Bắc và 35 năm qua trên toàn Việt Nam, ngày 02 tháng Chín luôn được kỷ niệm với những nghi thức trọng thể nhất. Vào ngày 02 tháng Chín năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập đã vang lên trên quảng trường Ba Đình, đánh dấu quyền quản lý đất nước Việt Nam chính thức trở lại với người dân Việt Nam sau hơn 80 năm bị kiểm soát dưới bàn tay của thực dân, đế quốc. Ngày 02 tháng Chín còn được nhiều người gọi là ngày «Tết độc lập».

Tuy nhiên, «độc lập» không chỉ nói đến tình trạng của một dân tộc hay một quốc gia, «độc lập» còn nói đến tình trạng của một con người. Theo từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, « độc lập » có hai nghĩa : « 1. Đứng một mình, không nhờ cậy ai-Không cần ai bảo hộ mình (être indépendent). 2. Nước có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp ». Và đa số các cuốn từ điển tiếng Việt, Anh, Pháp, mục từ « độc lập » («independence », «indépendence ») cũng đều có hai nghĩa tương tự như Đào Duy Anh.

Như vậy nói đến «độc lập» không thể chỉ nghĩ đến tình trạng của lãnh thổ, quốc gia, dân tộc mà còn phải chú ý đến tình trạng «độc lập» của các cá nhân – các thành viên thuộc quốc gia, lãnh thổ, dân tộc đó. Nền tảng căn bản cho sự «độc lập cá nhân », không gì khác, phải là khả năng của một con người biết «độc lập trong tư duy » (độc lập tư duy) để có thể tự quyết định cho vận mệnh cá nhân mình một cách tích cực. Vì vậy « độc lập dân tộc » hiểu theo nghĩa chỉ là tình trạng của một « nước (một dân tộc) có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp » hay chỉ là việc chính quyền đã về tay người đồng tộc với mình là hoàn toàn chưa đủ. Vì đại đa số người dân của một dân tộc vẫn có thể không có hoặc không được hưởng quyền độc lập tư duy (và thường kèm theo nhiều quyền khác) dưới một chính quyền hoàn toàn do người của dân tộc đó nắm giữ.

Do đó cái gọi là « độc lập dân tộc » theo nghĩa quốc gia độc lập, dân tộc độc lập phải bao hàm hai yếu tố: có một chính quyền tự chủ (không phụ thuộc thế lực ngoại bang) và sự độc lập cho mọi thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó. Một cách nền tảng là phải đảm bảo cho mọi thành viên có khả năng độc lập tư duy - có khả năng phán xét, giải quyết các vấn đề cá nhân và có tinh thần phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề cộng đồng và xã hội một cách độc lập, tích cực. Nói một cách khác, cái gọi là « nền độc lập dân tộc » hay « độc lập quốc gia » đó sẽ vô nghĩa nếu các thành viên của dân tộc hay quốc gia đó không được hoặc không có khả năng độc lập tư duy. Vì suy cho cùng, mục tiêu « độc lập dân tộc » là phải đem được sự độc lập đến cho từng cá nhân – thành viên của dân tộc đó. Không phải ngẫu nhiên mà mọi thế lực áp bức (ngoại tộc hay đồng tộc), bên cạnh việc cậy vũ lực, luôn tìm đủ mọi cách (đánh lạc hướng, gây suy yếu, triệt tiêu khả năng độc lập trong tư duy) hòng làm cho tư duy của dân chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ (1) , bị phụ thuộc, bị rập khuôn theo ý muốn, định hướng của chúng. Khi con người đã mất hoặc không thể độc lập tư duy thì việc bị phụ thuộc (hay trở thành nô lệ) chỉ còn là vấn đề thời gian. Và điều tệ hại hơn là khi con người đã mất khả năng độc lập tư duy thì cũng không còn hoặc ít có khả năng nhận biết được tình trạng phụ thuộc hay nô lệ của bản thân.

Do đó, không gì ngoài sự đáng hổ thẹn, khi một quốc gia, một dân tộc được gọi là độc lập, nhưng các thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó lại thờ ơ hay thiếu năng lực phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề của quốc gia, của dân tộc. Và sẽ là vô lý đến mức mỉa mai nếu những thành viên của một quốc gia, một dân tộc độc lập lại bị cản trở hay bị đe dọa khi họ muốn nâng cao hay thực hiện khả năng độc lập tư duy cá nhân.

Khả năng độc lập tư duy của người dân phải được bảo vệ bằng việc đảm bảo để không cá nhân nào bị áp chế, đe dọa hay bức hại chỉ vì có ý nghĩ khác với người khác (kể cả người có quyền lực hay địa vị cao nhất). Nói một cách khác, độc lập tư duy cá nhân chỉ có thể được phát triển thực sự nếu cá nhân được an toàn khi tự do công bố, tự do trao đổi, tự do truyền bá mọi suy nghĩ hay đức tin của cá nhân mình với mọi cá nhân khác trong xã hội. Những tự do vừa kể chính là thuộc về hai quyền tự do đã trở thành những quyền cơ bản của con người, đã được thừa nhận trên toàn cầu: tự do ngôn luận (gồm cả tự do báo chí) và tự do tư tưởng (gồm cả tự do học thuật và tự do tôn giáo). Như vậy, nếu quyền tự do tư tưởng là cái cần để có độc lập tư duy thì tự do ngôn luận chính là phương tiện (đủ) để độc lập tư duy được thể hiện và phát triển. Mọi suy nghĩ, tư duy sẽ vô nghĩa nếu không được thể hiện và trao đổi tự do. Do đó sẽ là phản lại « độc lập dân tộc » nếu không để người dân được tự làm báo, tự xuất bản hay bắt báo chí phải đi theo một « lề » nào đó. Và bất kỳ luật lệ hay qui định nào làm ảnh hưởng hay hạn chế việc công bố các góp ý, phản biện của dân chúng đều là sự vi phạm quyền độc lập tư duy của người dân, nghĩa là gây tổn hại tới « độc lập dân tộc ».

Việc đảm bảo để dân chúng được độc lập trong tư duy không chỉ làm cho cái gọi là « độc lập dân tộc » trở nên thực sự và có ý nghĩa cho cá nhân và xã hội mà còn giúp cho dân tộc đó duy trì được nền độc lập. Nền độc lập dân tộc chỉ có thể được duy trì khi dân tộc đó có đủ sức mạnh cân bằng với các dân tộc khác. Trong khi sức mạnh bền vững của bất cứ dân tộc hay quốc gia nào trên trái đất hiện nay đã được chứng tỏ luôn là hệ quả của sự giải phóng tư duy cá nhân hay đảm bảo cho mọi cá nhân được độc lập trong tư duy. Lịch sử đã cho thấy ngay cả khi có một tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất, sâu sắc nhất cũng không đảm bảo cho dân tộc hay quốc gia đó độc lập, phát triển thực sự nếu người dân của dân tộc đó, quốc gia đó không được đảm bảo độc lập tư duy(2).

Vì vậy mọi cuộc cách mạng, dù có tiếng vang đến mấy, nhưng nếu không mang lại hay không đảm bảo được sự độc lập tư duy cá nhân, thì cái mà chúng ta vẫn gọi là giành được độc lập đó chỉ đơn giản là một biến cố phân chia lại quyền áp bức hoặc chỉ là sự thay đổi kẻ áp bức ngoại tộc bằng kẻ áp bức đồng tộc. Thực trạng này rất nên được đặt cho cái tên là thực trạng nửa độc lập hay bán-độc lập, để người dân các nước (đã giành được chính quyền từ ngoại bang) phải có ý thức tiếp tục hoàn thiện nền độc lập, tránh sự âm thầm trở lại với thân phận của kẻ bị áp bức bởi chính những người đồng tộc. Bởi những đặc điểm đồng ngôn ngữ, đồng dạng về nhân chủng học, đồng chia sẻ một cội nguồn, một nền văn hóa hay lịch sử không chỉ luôn làm khó cho việc phát hiện, nhận dạng và đấu tranh với kẻ áp bức đồng tộc mà có thể còn làm cho chính những kẻ đang áp bức những người đồng tộc (đồng bào) lầm lẫn giữa tội ác với công trạng. Do đó, nếu chúng ta phải cảnh giác với những thế lực áp bức ngoại tộc ẩn dưới những vỏ bọc như «khai hóa văn minh » hay «tình hữu nghị anh em, đồng chí» thì chúng ta càng phải cảnh giác hơn với những lực lượng áp bức đồng tộc ẩn dưới các khẩu hiệu như «giữ vững độc lập dân tộc» hay «bảo vệ thành quả cách mạng ».

Có thể dân chúng thường hân hoan khi chính quyền đã về tay người đồng bào, đồng tộc với mình. Nhưng chỉ có dựa vào quyền và khả năng độc lập tư duy của người dân mới có thể biết được người dân đã thực thoát khỏi ách áp bức hay chưa. Và nếu có một thế giới đại đồng (xóa nhòa ranh giới vật chất giữa các quốc gia, dân tộc) thì thế giới đó chắc hẳn cũng sẽ phải dựa trên một nền tảng là phải tôn trọng và bảo vệ sự độc lập tư duy cá nhân(3).

Hơn nữa, nếu ý nghĩa thiêng liêng và đầy đủ nhất của độc lập dân tộc chỉ là việc có một chính quyền do người đồng tộc nắm giữ thì không có chuyện Albert Einstein đã bỏ nước Đức ra đi ngay khi tinh thần dân tộc Đức đang bừng bừng khí thế và cũng không có chuyện một số chính quyền lại trải thảm đỏ đón trở lại những kiều bào đã từng bị coi là «phản quốc» chỉ vì không chấp nhận sự thiếu thốn hay trấn áp.

Nhìn lại trường lịch sử Việt Nam, nếu chỉ kể từ năm 938 khi Ngô Quyền giành lại được chủ quyền(4)cho người nước Nam từ đế chế phương Bắc, là một chuỗi các biến cố kháng chiến giữ và giành lại chính quyền, lãnh thổ từ các thế lực ngoại bang. Có thể yếu tố địa chính trị của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng làm nên đặc điểm lịch sử này. Nhưng có một yếu tố luôn song hành với lịch sử đó là sau các chiến thắng giành lại lãnh thổ và chính quyền từ ngoại bang, vấn đề độc lập trong tư duy cho các cá nhân (thần dân hay công dân) chưa bao giờ được trở thành một vấn đề quốc gia cần bảo vệ và tôn vinh(5).

Trong các thời kỳ quân chủ phong kiến, rõ ràng các quan niệm thịnh hành trong xã hội lúc đó như « vô ngã », « vô thường » (Phật giáo), « vô vi » (Lão giáo) hay thuyết « chính danh » (Khổng giáo) không thể đưa được đến cách nhìn coi trọng sự độc lập tư duy của cá nhân. Chưa kể đến những câu răn dạy như «Nhất tự vi sư, bán tự vi sư» hay «Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung » còn thể hiện rõ sự áp đặt ý kiến của người đi trước hay sự đe dọa của kẻ có quyền lực. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa của sự thúc thủ nhanh chóng của quốc gia khi Việt Nam phải tương tác với sức mạnh vượt trội của phương Tây trong trào lưu tìm thuộc địa thế kỷ XIX. Nhưng ngay những năm đầu tiên của thế kỷ XX – khi đất nước đang bị Pháp đô hộ, các sỹ phu trong phong trào Duy Tân đã nhận ra nhược điểm cốt tử của dân tộc Việt Nam: «Nước ta là nước quân chủ, trải qua các đời, dân chỉ chịu sự cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền, tướng giỏi thì tạm thời nước yên ổn, dân yên ổn. Bất hạnh mà không có vua hiền, tướng giỏi thì nước loạn li, nhân dân lầm than. Từ xưa đến nay, sở dĩ ít ngày được bình trị mà có lắm cuộc loạn li, nguyên nhân là ở đó. Muốn nước được bình trị mà mong vua hiền, tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh, và mạnh lâu dài. Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực và nhẫn nại. Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ. Một là, bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là, dựa vào người mà không biết tự lập. Ba là, yên thân mình, nhà mình mà không biết ái quần, ái quốc. Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được? Cho nên, ngày nay chúng ta phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.»(6) An phận, ỷ lại, bảo thủ, thờ ơ với việc nước đều là những tính cách vắng bóng khả năng độc lập tư duy. Các sỹ phu Duy Tân còn mạnh dạn đến mức phê rằng : «...Còn nước ta thì trong triều, ngoài nội, chính trị, phong tục không thay đổi chút nào. Dụng cụ của ta đều cũ kỹ, lạc hậu, đồng ruộng hoang vu, dân đói rách, chưa bỏ thói ngang ngạnh, tính nô lệ vẫn còn. »(7)(người viết tô đậm các chữ cuối). Các sỹ phu Duy Tân không chỉ « chẩn bệnh » cho Nước mà còn « kê đơn » rất rõ ràng : « Loài người cũng như động vật, thực vật đều có cơ thể. Cơ thể của nước là dân. Dân có trí tuệ thì cơ thể linh hoạt, nước sẽ thịnh cường, mãi mãi sẽ không bị phá hoại. Đó là điều tất yếu. » (8) Để có trí tuệ thì đương nhiên phải khuyến khích và đảm bảo tối thiểu để người dân được độc lập tư duy.

Thật đáng tiếc là sau Cách mạng tháng Tám, những người «cướp» được chính quyền từ tay ngoại bang đã không lưu tâm đến những ấp ủ, trăn trở, những nhận xét, đề xuất sáng suốt và thức thời của các sỹ phu Duy Tân , đã không trân trọng những cá nhân có độc lập tư duy(9).

Tuy nhiên những hạn chế, trấn áp sự độc lập tư duy bất cứ ở đâu và thời nào cũng luôn nấp dưới những vỏ bọc chính đáng. Không có bạo chúa hay nhà độc tài nào tự nhận mình là người độc đoán hay không lắng nghe, không cầu thị ý kiến của dân chúng. Chế độ quân chủ thường chỉ dựa vào Trời với những luân lý chính thống như «trung quân», «thiên mệnh», « thiên tử », kèm theo tội « khi quân », để những bạo chúa hay gian thần loại bỏ, trấn áp những cá nhân có độc lập tư duy trái với ý kiến hay quyền lợi của chúng. Còn chế độ sau quân chủ lại không cần dựa vào «ý trời» nữa, những người cầm quyền tự tạo ra đủ những lý do có bề ngoài rất to tát, rất đạo đức như « tăng cường đoàn kết nội bộ », « chống chủ nghĩa cá nhân », « phải gần gũi nhân dân lao động », « chống hữu khuynh », « chống tư tưởng tiểu tư sản », « học và làm theo nghị quyết », « hòa nhập chứ không hòa tan », « giữ vững ổn định chính trị », « chống diễn biến hòa bình »,..., và kèm theo là đủ mọi áp lực về vật chất và tinh thần, nhằm trấn áp, gạt bỏ những tư duy độc lập, trái với Đảng (Cộng sản) hoặc trái với một nhóm quyền lợi trong Đảng.

Năm 1952, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những đề xuất độc lập của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì Việt Nam chắc đã có một nhà nước biết tôn trọng pháp luật và chắc chắn đã tạo ra một cú hích lịch sử cho độc lập tư duy của giới trí thức và toàn xã hội.(10)

Năm 1968, nếu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chịu lắng nghe và tiếp thu sáng kiến của thuộc cấp như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc thì chắc chắn nhiều người dân Việt Nam đã không bị chết đói và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được một tiền lệ tốt về dân chủ nội bộ.(11)

Ngay thời kỳ còn chập chững, quyền lực công đã tỏ rõ sự độc đoán, hắt hủi các ý kiến độc lập đến thế, thì đến giai đoạn trưởng thành, nó sẽ còn độc đoán hơn, vùi dập độc lập tư duy cá nhân của toàn xã hội cũng là điều dễ hiểu. Có thể những người có quyền thường ít có khả năng nghe và chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, nhưng một chế độ chính trị văn minh luôn có các cơ chế buộc những người có quyền phải lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến, kể cả sự phản đối của dân chúng, không để cho họ được tùy tiện làm tổn thương tới khả năng độc lập tư duy của cá nhân và xã hội.

Điều đau xót là biết bao người đã dành trọn niềm tin và sự hy sinh cho một chế độ chính trị dung dưỡng thói kiêu ngạo, hợm hĩnh, độc đoán, tùy tiện của những người cầm quyền, trong niềm hy vọng chủ quyền đất nước sẽ được bảo toàn, dân tộc sẽ được tự do hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng tiếc thay, như các bậc tiền nhân của người Việt đã nói, khi trí tuệ của dân, sự độc lập tư duy của dân không được nuôi dưỡng, trân trọng thì Nước làm sao tránh được sự phá hoại. Và đương nhiên, sự phá hoại đất nước sẽ phải khủng khiếp hơn, sự tha hóa, trơ lỳ của kẻ áp bức cũng sẽ phải ghê gớm hơn khi độc lập tư duy của mọi cá nhân và xã hội đã bị kìm giữ, trấn áp dưới những vỏ bọc to lớn hơn và đạo đức hơn. Đó chính là thực trạng đau lòng của dân tộc Việt Nam, của lãnh thổ Việt Nam hôm nay.

Để đưa được đất nước, dân tộc thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện nay, chắc chắn người Việt Nam sẽ phải nỗ lực không kém những tiền nhân đã dày công dựng và giữ nước. Nhưng để có một nền độc lập đầy đủ, thực sự và vững bền cho dân tộc, người Việt Nam không thể không gắng tạo lập, rèn rũa, giữ lấy hoặc giành lấy cho được thói quen độc lập tư duy. Và tối hậu cần phải tạo dựng một chế độ chính trị biết trân trọng và bảo vệ độc lập tư duy cá nhân. Độc lập dân tộc phải được tựa trên và gắn liền với độc lập tư duy cá nhân.


Phạm Hồng Sơn
30/08/2009




(1) Đề thi đại học môn văn khối C năm 2009 là một ví dụ. Đề thi này như sau: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. Việc kêu gọi chống giả dối, gian lận trong thi cử hay kêu gọi sống trung thực là một việc không có gì độc đáo. Nhưng một nền giáo dục tử tế phải hướng con người tới khả năng và thói quen độc lập tư duy. Nhưng đề thi nói trên đã bỏ đi một ý rất độc đáo và quan trọng ngay sau đoạn trích trong bức thư đó: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…” Nguồn tham khảo http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/07/de-thi-la-hay.html.
(2) Nước Mỹ, sau Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng năm 1776, đã suýt tan rã nếu 13 bang không cùng cam kết phải bảo vệ một số quyền cụ thể của dân chúng (trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do khiếu nại chính quyền, tự do tôn giáo là những quyền cụ thể để đảm bảo cho sự tự do và độc lập trong tư duy). Đó chính là 10 tu chính án đầu tiên (the Bill of Rights) của Hiến pháp Mỹ..
(3) Một trong những nền tảng chính của Liên hiệp châu Âu (EU) hiện nay (gồm 27 quốc gia, và nhiều dân tộc khác nhau), có thể gọi là phác thảo hay là tiền thân cho một “thế giới đại đồng” tương lai, là sự thừa nhận và cam kết bảo vệ các quyền con người (trong đó có quyền độc lập tư duy cho mọi cá nhân – quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng).
(4) Các sách sử hiện nay vẫn gọi là mở ra thời kỳ “Độc lập” hay giành lại được “Độc lập” (theo nghĩa giành lại được chính quyền cho người nước Nam)
(5)Giai đoạn tại miền Nam 1954-1975 là giai đoạn tạm không xem xét ở đây.
(6)Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
(7)Theo sách đã dẫn (Sđd).
(8) Sđd.
(9)Căn cứ vào những tài liệu giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa Thục còn được lưu cho đến nay, các sỹ phu Duy Tân lúc đó đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực và cơ bản đối với dân chúng và đất nước như vệ sinh thân thể, mở mang trí thức cá nhân, mở mang kinh doanh (áp dụng máy móc, ủng hộ các nhà tư bản nội địa...), trách nhiệm công dân với cộng đồng, đất nước, các kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị (chính phủ, quốc hội, luật pháp, tư pháp...)...Và có cả những ý tưởng tương tự những gì mà chúng ta hiện đang gọi là Xã hội dân sự (civil society). Xin tham khảo Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
(10)Tham khảo tạp chí Xưa & Nay số 286 tháng 06/2007.
(11)Tham khảo Đặng Phong, Tư Duy Kinh Tế Việt Nam-Chặng đường gian nan và ngoạn mục, Nxb Trí Thức, 2008.




(Đăng trên talawas.org, doi-thoai.com, dcctvn.net ngày 01/09/2009. Thongluan.org va Toquoc đăng nhầm bản nháp với nhan đề "Ngày Độc lập nghĩ về độc lập tư duy)