Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2008

Khai bút đầu năm 2007

Khai bút đầu năm 2007
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007 trong thiên niên kỷ thứ III kể từ dấu mốc khi Chúa, theo đức tin của Cơ đốc giáo, ra đời. Trở dậy sớm hơn thường lệ vào những ngày lễ, ra ngoài sân thượng vừa phơi quần áo giúp vợ vừa hít thở không khí trời, vào vệ sinh, rửa mặt theo kiểu vốc nước bằng tay như hồi còn trong nhà tù nhỏ, sảng khoái, mát lạnh, sau đó đóng bộ với một chiếc áo sơ mi trắng dài tay mặc bên trong một chiếc áo len sẫm màu cổ tròn làm tôn lên màu trắng tinh của chiếc cổ áo ngay ngắn, gài khuy chắc chắn. Uống nhiều ngụm một cốc nước lọc lạnh như thói quen theo phương pháp giữ gìn cơ thể và tinh thần của người cổ xưa. Lấy một chiếc cặp nhựa đã dùng từ hồi trước khi bị lao tù, cho vào đó một quyển tạp chí của Việt nam bằng Anh ngữ, một vài tờ giấy trắng A4, giấy mời làm việc (do ông chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Thuỵ Khuê ký ngày 29/12/2006 nhưng lại mời lên trụ sở công an phường Thuỵ khuê – Tây hồ – Hà nội để làm việc vào lúc 08:00 ngày 01/01/2007). Nhìn lên giá sách, chợt nghĩ ra cuốn sách chưa có thì giờ đụng tới: Utopia - địa đàng trần gian của Thomas More do Trịnh Lữ chuyển ngữ, cuốn sách đầu tiên nhờ mua khi ra khỏi nhà tù nhỏ. Với tay đúng nó và cho cuốn sách nhỏ mỏng đáng yêu vào, nhấn hai khuy nhựa bên ngoài “ cách, cách”. Yên tâm, đã đầy đủ mọi thứ. Đêm hôm trước nhận được tin nhắn chúc mừng năm mới của một số bạn bè, càng thấy buổi sáng hôm nay có ý nghĩa: sẽ bắt đầu một năm không lười nhác và chắc không tẻ nhạt. Nhìn xuống cổ tay trái, 07:40. Vợ đang ở dưới bếp lúi húi, lạch cạch, chuẩn bị đồ ăn sáng nhẹ hơn mọi khi, hai con nhỏ đang say sưa trong giấc nồng. Xuống bếp với cảm giác gọn gàng, chắc chắn, ăn một chiếc bánh ngọt nhỏ, uống vài ngụm sữa, bỗng nghe thấy tiếng cậu con út ở phía trên cầu thang đang đi xuống. 07:50. Nhờ cậu con uống nốt ly sữa, chào con. Hai vợ chồng tạm biệt nhau, tự tin và đi ra ngoài. Mở cửa, khoá lại và bước chắc chắn ra phố. Con phố vắng vẻ, không ầm ĩ, ngẽn tắc như mọi khi, vài quán ăn bên đường vẻ nhàn rỗi với vài thực khách co ro, chậm rãi, im lặng thuởng thức hoặc chờ đợi. Nhìn lên, bỗng thấy các chồi bàng xanh non đã tua tủa, trông vun vút đầy các cành bàng yên lặng bên đường. Xuân hay đông ? sự sống, phát triển luôn âm thầm trỗi dậy cho dù ta không để ý. Gần tới đồn công an, 07:56. Quyết định đi qua một đoạn để bách bộ, mấy khi được thong thả. Quay lại vào đồn công an, 07:59. Vắng vẻ, không thấy người trong phòng trực ban-một căn phòng, hình như là buồng ngoài của một khu nhà cổ thời Pháp, trần cao khoảng 04m, 03 cửa khung gỗ lớn kiểu cổ, cao 03m mở rộng vào phòng, đập vào mắt là chiếc ấm điện đang xì hơi nước trên chiếc ghế băng dành cho Nhân dân, xung quanh đó là những bao tải, đồ đạc rất khó mô tả nằm lúp xúp, ngổn ngang. Trên góc trần có một chùm bóng bay loại đắt tiền khoảng vài chục nghìn một trái, cả khối sặc sỡ, khổng lồ tới 04 m2 như đang cố thoát ra khỏi trần bê tông, không có sợi dây nối dưới như thường lệ. À, hôm qua và nay là ngày lễ, nhiều người đi kiếm thêm bằng bán bóng bay. Bước ra ngoài, ngó sang phòng bên, thấy một công an đã từng gặp, cấp chỉ huy. “ Anh X, hôm nay làm việc thế nào đây“, “ Anh sang phòng thường trực đợi như nguyên tắc”.Sang lại phòng thường trực, ngồi xuống ghế nhân dân sát với bàn thường trực. Nhân viên trực ban, quân hàm đại uý cũng vào ngồi ở vị trí giữa bàn làm việc. Yên tâm, rút cuốn Utopia. Nhiều người lố nhố vào gặp trực ban, vẻ chờ đợi, lo lắng. “ Anh cho em xin lại giấy tờ”, chợt nhìn thấy một bàn tay dúi vội ra phía trực ban, thoáng thấy nếp vòng của tờ tiền polyme ở dưới một giấy tờ ép Plastic, bàn tay của trực ban dúi vội trả lại. Vội nhìn xuống Utopia. Thôi kệ. Đọc phần giới thiệu trên hai mép gấp bìa. 1516, đã gần 500 năm! Thomas More! “ Cháu ở bên nhà giặt là, cho cháu xin lại cái biển”, “ Hôm nay, ngày lễ, nghỉ”. 08:10. Công an khu vực, thanh niên trẻ, khoẻ khoảng ngoài 30t, vừa vào vừa chỉnh đốn quân phục. “ Anh Sơn chờ một chút nhé”, “ Giấy mời 08:00, nên làm việc sớm đi em”, “ Mấy người bên A42 xuống rồi nhưng đang ngồi ăn sáng bên kia”, “ Ai bên A42” “ Hình như Hu. hay C. gì đó”, “ Nếu mấy tay đó, là anh không làm việc với họ đâu, ít nhất cũng phải là những người biết xử sự có văn hoá”. Công an khu vực có vẻ ái ngại. “ Thôi được rồi, chuyện ai xuống làm việc là chuyện của họ, anh cũng không quan tâm đâu, nhưng quan điểm của anh là thế”. Không nên thù ghét cá nhân nào, nhưng cũng dứt khoát không thể chấp nhận làm việc với những kẻ đã cư xử vô văn hoá, côn đồ. Lại quay lại với Thomas More. Những lời lẽ trang trọng, kiểu cách, của những nhân vật trong các bức thư gửi cho nhau với những vấn đề cao cả, lo lắng cho xã hội Anh quốc thời cách đây gần 500 năm làm cho có cảm giác tách ra khỏi cái hiện thực đang bị câu lưu. Hôm nay, những người Dân chủ ở Hà nội hẹn gặp mặt nhân dịp đầu năm mới 2007 từ cách 01 tuần nay, nhưng có người hẹn cứ thoải mái như thời Utopia xa xôi của Thomas More.“ Cho cháu xin lại giấy tờ xe, sao hôm nay lại nghỉ, công an lúc nào chả phải trực” “ Mày vi phạm thì là lỗi của mày, mai lên đây nộp phạt hành chính”. Nhiều bóng người ra, vào. “ Trưa nay làm tí chứ”, “ Xong ngay”. Mấy cái bao tải được xách ra, bên trong thấy có những hình tròn tròn như trái cây, ném xoạch xuống góc sân. “ Hôm vừa rồi uống say quá, hôm sau phải họp mệt đ.. chịu được”. Trên tường cao phía sau bàn trực có tấm hình một ông cụ có chòm râu lớn, nhìn phúc hậu đóng trong khung gỗ nhìn thấy rõ bụi và những mảng mạng nhện tròn tròn trên các nếp khung, ngay dưới tấm hình có chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đó là một bảng nền đỏ chói, chữ vàng: Chiến sĩ công an quận Tây hồ quyết tâm xây dựng lực lượng công an quận “ trong sạch, vững mạnh”, tất cả vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Xế bên cạnh là tấm bảng đóng khung trang trọng loáng thoáng thấy chữ điều Bác Hồ dạy công an: Đối với chính phủ phải tuyệt đối trung thành, Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép. Chợt nhớ cũng bác Hồ nói đại ý: nếu chính phủ mà tha hoá, không còn phục vụ nhân dân nữa thì phải thay cái chính phủ đó đi! Công an cũng là nhân dân, không biết ý bác nói là nhân dân phải thay hay là cái lực lượng có súng ống tận răng được khuyên phải trung thành với chính phủ đó lại đi thay chính phủ. Theo toán học, đó là hai mệnh đề mâu thuẫn. Lại quay trở lại với Thomas More. Không thể không đọc lại đoạn này: “Ngoài ra các vị trưởng quan trong nội các thì một là đã thừa thông minh để không cần phải hỏi ý kiến ai, hai là thừa ngạo mạn để có thể lắng nghe lời khuyên của ai-mặc dù hiển nhiên là họ luôn sẵn sàng hưởng thụ mọi ơn huệ của nhà vua bằng cách đồng tình với cả những ý kiến ngu xuẩn nhất của nhà vua vậy.” 08:40. Công an khu vực đi vào cầm tập hồ sơ, vào ngồi phía trước mặt, giở, giở hồ sơ, chăm chú. 5 phút trôi qua. “ Hôm nay làm việc thế nào H.?”, “ Hôm nay, đề nghị anh viết bản kiểm điểm tường trình rõ những việc từ khi anh về quản chế”, “ Anh đã nói nhiều lần rồi, anh không bao giờ viết chữ kiểm điểm, hơn nữa anh đã không chấp nhận bản án, thì đương nhiên cái quản chế đó cũng không chấp nhận được”, “ Đây là qui định và theo chỉ đạo của cấp trên, nên đề nghị anh viết để sớm kết thúc làm việc”, “Nhưng đó là bản án trái pháp luật, anh đã đề nghị và phản đối nhiều rồi, ngay cả trong tù, nên nói riêng với tư cách cá nhân, anh em mình không nên nói nhiều về vấn đề đó nữa”. Nháy mắt với nhau. “Đơn giản là anh không bao giờ viết cái đó đâu, còn tuỳ cơ quan chức năng thôi”. Quay ra thấy tên công an A42 mặc thường phục, kẻ đã tham gia vào hai vụ hành hung trước đây, tên và số hiệu đã bị trang Doi-thoai.com đưa vào danh sách tháng 09/2006. Hắn đến gần, tỏ vẻ thân thiện. Thật vô liêm sỉ. Hắn lóng ngóng giơ tay ra. Bàn tay như phản xạ phẩy đi trước nhiều con mắt. Hắn còn hỏi vài câu xã giao. “Tôi không nói chuyện với cậu”, “ Anh phải viết bản kiểm điểm, nếu không cứ ngồi ở đây”. Đã sẵn sàng. Tiếp tục với Thomas More. Trước mặt là công an khu vực, bên cạnh là kẻ đang gầm gừ. Cảm ơn Thomas More tiên sinh, cảm ơn dịch giả Trịnh Lữ. Không thể không tâm đắc với đoạn này: “Giả dụ bạn là một người trong nhóm đó, và bạn lên tiếng đề nghị một chính sách mà bạn đã thấy ở đâu đó, hoặc đã tổng kết được từ một tiền lệ lịch sử nào đó, vậy điều gì sẽ xảy ra? Bọn người ấy sẽ xử sự như thể uy tín chuyên môn của họ đang bị đe doạ nghiêm trọng, và họ sẽ trở thành lũ ngốc đến hết đời nếu không tìm được một lời phản bác nào chống lại đề nghị của bạn. Mà nếu cùng đường thì phản ứng của họ sẽ là:” Vấn đề này ông cha ta đã vẫn giải quyết như từ xưa đến nay, chúng ta là ai mà dám nghi ngờ trí tuệ của tiền nhân?” Rồi họ sẽ ngả sâu vào ghế bành với cung cách của một người vừa nói những lời phán quyết cuối cùng, cứ như thể sẽ là một tai hoạ tày trời nếu có ai đó bị bắt quả tang dám thông minh hơn tổ tiên mình vậy!” Nếu Thomas More sống lại không hiểu tiên sinh sẽ viết gì thêm khi thấy ở xứ sở hiện thực này vẫn có những điều làm tiên sinh phải kinh ngạc: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tuởng Hồ Chí Minh,…nhân dân Việt nam nguyện đoàn kết…” ( trong lời mở đầu bản hiến pháp hiện hành của Việt nam). Thomas More chắc chắn sẽ phải hỏi Mác-Lênin và Hồ Chí Minh là cái gì, là ai mà cả một dân tộc gần 100 triệu người phải nguyện đi theo(?!?), hay là cả dân tộc đó đã cùng thừa nhận rằng cả dân tộc đã bị thoái hoá về trí tuệ kể từ khi có cái Mác-Lênin và Hồ Chí Minh đó. Thật đau đớn. Bỗng nhận được tin nhắn cho biết một kỹ sư trong Sài gòn đang có tiếng trong phong trào Dân chủ, cũng đang bị câu lưu tại đồn công an. Đều đang mặc áo trắng, chúc nhau tốt lành, và thực hiện 03 không ( không viết, không ký, không ăn). 09:50. Công an khu vực đi vào, tay cầm tờ giấy trắng.” Hay là anh viết bản tường trình cũng được, không cần phải kiểm điểm”, “ Ô, sao lại tường trình, nếu có thể mình sẽ viết bản kiến nghị, đơn thư khiếu nại về vụ APEC mình đã gửi cho đồn và phường, tới nay vẫn chưa có hồi âm, sao lại phải tường trình cái gì, có vi phạm gì đâu mà phải tường trình”,” Sao lại kiến nghị, kiến nghị thì lúc khác”,” Sao mọi người lại e ngại chữ kiến nghị thế nhỉ, nếu cơ quan công quyền thực sự bảo vệ người dân thì phải hoan nghênh kiến nghị chứ”, “ Thôi, anh viết đi rồi về sớm”, “ Mình chỉ viết kiến nghị thôi, thế không viết thì cứ giữ người ở đây à”, ” À chưa biết được, bây giờ vẫn là giờ hành chính, nếu thế em sẽ lập biên bản và mời tổ dân phố lên làm chứng”,” Tuỳ cơ quan chức năng thôi”. Công an khu vực đi ra ngoài. Cảm giác hơi khó chịu trước sự dài dòng. Lại cúi đọc Utopia. “Anh Sơn uống cốc nước trà nhớ!”. Công an khu vực tỏ ra chân tình. “ Thôi, mình cảm ơn, mình không quen uống trà”. Lúc sau công an khu vực quay vào hý húi viết, thỉnh thoảng dừng lại ra chiều suy nghĩ đăm chiêu. Lúc sau cầm tờ giấy đi ra, sau đó quay vào. “ Anh Sơn làm cốc nước lọc nhớ”, “ Thôi, H cứ tập trung làm việc đi, mình cảm ơn, mùa đông cũng không có nhu cầu lắm”. Công an khu vực quay ra, lúc sau đem theo tờ giấy vào viết tiếp. Lại một đoạn đối đáp hay cần đọc lại: “MORE: “…Tiên sinh cũng biết là thân hữu Plato của tiên sinh đã nói rằng chỉ khi nào các bậc hiền triết lên làm vua, hoặc người làm vua biết chịu khó học triết học, thì mới có được một xã hội an lành hạnh phúc. Vậy thời tiên sinh cũng thử nghĩ xem một xã hội như vậy sẽ còn xa vời đến đâu nếu các đấng hiền nhân quân tử không chịu ban cho vua chúa một lời khuyên thực sự. RAPHAEL: “ Chao ôi, các nhà hiền triết đâu có đến nỗi thế. Họ còn luôn muốn khuyên bảo người khác nữa chứ. Sự thực là rất nhiều người đã viết cả những lời khuyên của họ thành sách. Giá như những người cầm quyền biết lắng nghe họ thì mọi việc đã khác rồi.” . “Alô, cho gặp ông Th. Ông Th. à, cháu mời ông lên công an phường làm việc khoảng 15 phút, ông lên ngay nhé”. Tờ giấy thấy đã kín chữ để trên bàn. Tên A42, trẻ hơn công an khu vực nhiều tuổi, đi vào vẻ lấc cấc kều tờ giấy từ tay công an khu vực và ngồi đọc. Chợt nhớ lại lời kể của một cựu lãnh đạo bộ công an nói rằng, hồi Lê Duẩn còn sống, có lần tới bộ công an và nói rằng phải tăng cường vỗ béo và nuôi thêm nhiều “chó Berger “ để trấn áp bọn cứng đầu, điều này cũng giống trong các hồi ký của các cựu lãnh đạo lực lượng mật vụ an ninh Xô-viết và CHDC Đức xa xưa. 10:30. Ông Th. tổ trưởng dân phố, lụ khụ đi vào, đánh mắt gật đầu với mọi người. “ Mời ông Th. ngồi, hôm nay mời ông Th. lên làm chứng về buổi làm việc….đối tượng Phạm Hồng Sơn đã không chịu viết kiểm điểm…và yêu cầu Phạm Hồng Sơn 13:30 hôm nay tiếp tục lên công an Thuỵ khuê làm việc… Biên bản lập xong lúc 11:30, đề nghị ông Th. ký vào đây….Anh Sơn có ý kiến gì không”, Ngay sau câu “13:30 hôm nay tiếp tục” đầu tên A42 gật gù. “Nhân tiện có bác Th. ở đây, bác là tổ trưởng dân phố và chính bác là người chứng kiến sự vi phạm pháp luật trắng trợn trong dịp APEC vừa qua của công an,.. luật pháp nào cho phép bao vây nhà người dân, sách nhiễu, côn đồ với người dân như thế, còn đương nhiên, bản án tù đày đã vi phạm pháp luật thì sự quản chế kèm theo là không chấp nhận.” Tên A42 vội tiếp lời với giọng lấc xấc “…chúng tôi theo lệnh cấp trên thực hiện…”, “ Cấp trên bảo cậu cái gì cậu cũng làm à?”. Công an khu vực và vài công an mặc sắc phục ở quanh đó im lặng tỏ vẻ khó xử. Ông Th. thừ mặt ra, không gật mà cũng chả lắc. “ Anh Sơn có ký không”, “ Không, mình không ký đâu”. “ Tặng ông Th. quyển lịch mới, đây là lịch công an khu vực bỏ tiền túi mua tặng đấy”. Ông Th. im lặng cầm lấy có vẻ hài lòng. Vài phút sau mọi người lần lượt ra ngoài, chỉ còn lại trực ban. Lúc sau có người vào nói nhỏ ”Một chút nữa rồi anh về thôi”. Đồng hồ chỉ 10:55. Nhìn vào cuốn Utopia và nghĩ tới thân phận bi tráng của tác giả Thomas More. Dòng lịch sử đã chảy qua bao đời người nhưng vẫn như sống động trước mắt, có lẽ cái đầu của Thomas More khi rơi xuống trước nhát gươm của cường quyền, hẳn vẫn kiêu hãnh, suy tư và đầy hy vọng, ước mơ về một xứ sở Utopia lý tưởng, tiến bộ hơn cái xã hội nhiễu nhương chuyên chế đương thời, cho dù cường quyền đã cướp đi dễ dàng và tàn nhẫn một sinh mệnh của con người kể cả một sinh mệnh có cái đầu trác việt, kiên cường như Thomas More thì cái nền chuyên chế độc tài đó cũng không thể trốn chạy được sự cáo chung tất yếu của nó sau đó. 11:10. “ Đề nghị anh cho gặp H.”, H. ra, “ Còn làm gì nữa không, anh về đây, làm việc phải cho đàng hoàng chứ, nếu giữ hay không thì thông báo để anh biết anh ở lại ngay, ai lại cứ câu lưu nhau thế”, “ Anh cố gắng ngồi thêm mấy phút nữa, em cũng theo lệnh của cấp trên thôi.” Bỏ Utopia vào cặp, đứng dậy đi lại và ra cửa nhìn ra ngoài cho thoáng tầm mắt. 11:20, vào cầm cặp và đi ra ngoài, nói với vào phòng bên “ H. anh về đây” vừa nói vừa ra ngoài , H. vụt đi ra, rảo nhanh theo, “ Thôi anh về đây, còn việc gì nữa mà ở lại”, H. vừa đi vừa nói nhã nhặn“ chiều 13:30 anh lên nhé”, “ Có thể anh không lên đâu, có việc gì nữa đâu mà làm”. trong đầu quyết định là chiều naysẽ không lên. “ Anh không lên là anh phải chịu trách nhiệm đấy” “ Dĩ nhiên rồi, anh cũng nói chân tình là cái gì cũng phải có tình, có lý, đừng nên làm cái gì quá đáng, không ai sống mãi được đâu, đừng nên sách nhiễu dân chúng như thế. Số người như anh hiện nay vẫn còn ít, nhưng chắc chắn sẽ ngày càng đông lên đấy, nên nghĩ đến đạo lý con người. Anh chấp nhận tất cả đấy.” Vẻ mặt H. biểu lộ một điều gì đó khó tả nhưng có dáng vẻ của một khuôn mặt hướng thiện. H. dừng lại ở phía cổng sân đồn công an, không nói gì. Rảo bước mạnh mẽ trở về nhà, ngang qua quán nước ven đường bỗng nghe thấy “ Sát-đam toi rồi ông ạ”, “ Bị bắn à?”, “ Không, treo cổ”, “ Đáng kiếp, nó dã man và nhiều biệt thự lắm”. Trong khi hệ thống truyền thông chính thống như tivi, đài của Việt nam chỉ nhấn mạnh việc có những người dân I-rắc phản đối việc tử hình Sát-đam, không hề đề cập tới tội ác thanh trừng người đối lập của Sát-đam và một số lớn người dân I-rắc cả trong và ngoài I-rắc đã mong chờ bản án đó từ lâu. Thật khó có thể tin những người biên tập hay những người chỉ đạo biên tập chương trình tivi Việt nam không biết những thông tin đó. Thế giới chưa có thuyết tuyệt đối để cái ác chả còn kẻ đồng loã. Nhưng thế giới đã có thuyết tương đối để cái ác vẫn có con đường trở về cái Thiện. Lại nhớ gần đây có những quyết định không chấp nhận báo chí tư nhân và đề nghị kiểm soát hồi ký, hồi ức. Nỗi sợ hãi sự thật hình như đã chạm tới giới hạn đỉnh điểm. Cường quyền đã dự cảm được sự giận dữ, căm hờn của quần chúng – những nạn nhân của sự dối trá, che đậy, lấp liếm và lảng tránh. Nhưng cơn cuồng say lợi lộc và sự kiêu ngạo mù quáng khi còn sức mạnh tạm thời của súng đạn, nhà tù đã làm cho cường quyền không nhận ra được sự cáo chung tất yếu của mọi chuyên chế, độc tài hoặc không dám tin sự tha thứ, hào hiệp luôn có sẵn trong nhân tâm để dành cho những Người biết hướng Thiện, phục Thiện. Con phố vẫn vắng vẻ, không khí đã mất đi hơi lạnh và màn sương mờ buổi sáng, cho dù vẫn chưa có ánh nắng, nhưng chắc chắn phía trên cao, sau lớp mây kia là vầng thái dương đang toả ánh sáng huy hoàng.
Phạm Hồng Sơn 01/01/2007